Cần đầu tư IoT cho quốc phòng và nông nghiệp

Submitted by Sưu tầm on Tue, 12/08/2015 - 15:14

Vẫn còn cơ hội

Anh định vị năng lực của Việt Nam ở đâu trên bản đồ IoT thế giới?

Chưa có gì mấy cả. Nhưng may mà thế giới mới có một ít nên dù không có gì thì Việt Nam cách họ không quá xa.

Trên biểu đồ Gartner Hype of Circle 2015*, IoT đang đứng trên đỉnh cao nhất, tức là đang được công chúng kỳ vọng tạo ra nhiều doanh thu nhất trong vòng 5-10 năm tới. Vì thế khi công nghệ này trưởng thành và phổ biến mà chúng ta không làm gì thì cơ hội bắt kịp về công nghệ của Việt Nam bằng không, Việt Nam sẽ chỉ đi mua thôi. Cái này giống hệt như con chip, hiện tại thì con chip của Intel đang ở đây rồi. Ai mà cạnh tranh với họ là câu chuyện khó.

Nhưng mình vẫn còn cơ hội vì đến lúc đó mất khoảng năm năm nữa, vẫn có thể xen vào một số thứ để làm. Mình chỉ bắt nhịp từ trên đỉnh này và làm thôi. Mình có lợi thế là nhân sự giá rẻ, và lĩnh vực đặc thù thì triển khai cũng nhanh. Ở nước ngoài có hệ thống công nghệ lịch sử để lại (legacy system) nên muốn thay cái cũ bằng cái mới thì gặp rất nhiều rào cản. Còn mình chưa có gì mấy thì có thể làm nhanh.

Như anh nói, mình có thể xen vào một số thứ, đó là những gì?

Một mặt là cung cấp các giải pháp cho thị trường quốc nội; bên cạnh đó là tạo ra những nền tảng chung để [các doanh nghiệp] cộng tác với nhau làm ra nhiều ứng dụng. Mặt khác thì mình hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ khởi nghiệp cho khu vực. Nhìn vào Misfit, đó là doanh nghiệp nước ngoài nhưng dùng nhân lực ở đây để làm IoT. Cứ mô hình đó mà nhân ra: Một doanh nghiệp có thể có thị trường và bộ phận quản lí ở nước ngoài nhưng nhân lực để làm là ở Việt Nam.

Với năng lực hiện tại thì Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì?

IoT có một thuận lợi ở chỗ là hiện nay do chưa chuẩn hóa, chưa phổ biến rộng nên đòi hỏi địa phương hóa rất cao, chưa thể có một giải pháp áp dụng cho tất cả mọi trường hợp được. Cho nên với một nhu cầu cụ thể thì vẫn cần giải pháp mới. Thứ hai, giá thành còn cao nên mình vẫn có cơ hội để cạnh tranh về giá. Cái thứ ba là nhân lực làm việc này vẫn còn ít và nhân lực của Việt Nam còn trẻ, có khả năng học và hưởng lợi từ làn sóng gia công phần mềm nên mình có thể hướng người ta vào làm trong lĩnh vực này được.

Bây giờ ứng dụng trong CNTT đã phát triển lên rất nhiều rồi, chỉ cần kết nối các điểm lại. Nhưng đó là vấn đề trong năm năm tới phải làm, còn nếu không làm thì chẳng có gì xảy ra.

Trong cuộc đua công nghệ, làm thế nào để mình có được công nghệ tốt, giá thành rẻ, triển khai thành công, thì đòi hỏi khối lượng công việc cực lớn. Nhưng nếu nhà khoa học và các nhà công nghệ Việt Nam muốn thử thách làm một cái mới thì đây là cơ hội vì làn sóng IoT rất gắn bó với nguồn mở. Gần như tất cả các nền tảng IoT là nguồn mở hết nên mình có thể tham gia để song hành với thế giới.

Chẳng hạn, trước kia các hệ điều hành là đóng, mình có biết gì đâu? Mình không được tham dự [tạo ra] Unix với cả Windows. Mãi mới có Linux (hệ điều hành nguồn mở), lúc đó mình có tham dự được thì cũng đã rất là muộn. Bây giờ IoT chưa có mấy mà đã sử dụng nguồn mở rồi. Tại sao mình không tham dự?

Vậy Nhà nước có nên can thiệp sâu vào chuyện này?

Nhà nước phải tạo ra sân chơi. Nhà nước phải đầu tư. Ví dụ như khi tôi đưa ra khuyến nghị chiến lược về IoT là để Việt Nam trở thành trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp của khu vực, thì tôi mong muốn các khu công nghệ cao ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có cơ chế tạo ra các vườn ươm và nói với các nhà đầu tư IoT rằng miễn là ông có một dự án phù hợp, thì ông sẽ được vào đây, sẽ được ưu đãi. Họ sẽ kéo được nhân lực vào đấy, tự nhiên sẽ sinh ra sân chơi.

Về hệ sinh thái doanh nghiệp thì nhà nước phải đứng ra liên kết với tất cả các hãng lớn trên toàn cầu, tạo ra một nền tảng mở, khuyến khích tất cả các doanh nghiệp vào đây phát triển ứng dụng. Có thể chính phủ không (và không nên) lập trình phát triển cái nền tảng mở đấy mà giao cho một cộng đồng nguồn mở thực hiện.

Nhưng chính phủ cũng cần phải đưa ra một lộ trình, một định hướng rõ ràng là chúng tôi muốn làm cái điều đấy và nên làm cái việc đấy.

Theo anh, Nhà nước nên ưu tiên đầu tư cho IoT trong lĩnh vực nào?

Nhà nước nên ưu tiên đầu tư vào hai lĩnh vực có ý nghĩa sống còn [đối với việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc] là nông nghiệp và quốc phòng.

Một trong những giải pháp hàng đầu để sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững là hình thành một nền nông nghiệp thông minh. Việc sử dụng các cảm biến để theo dõi sự phát triển của cây trồng hằng ngày, hằng giờ, hằng phút thì mình sẽ biết được giống cây trồng nào là phù hợp với Việt Nam và trồng như thế nào thì tốt. Hiện nay ở Lâm Đồng, mỗi hộ thuê Israel làm cho một hệ thống cảm biến chỉ có 100.000 USD thôi nhưng mà mỗi lần sửa cái gì phải mời chuyên gia sang mất 10.000 USD, thậm chí họ còn phải thuê một chuyên gia trực ở đó, “làm như ảo thuật”. Thế thì mình làm sao biết cái gì thực sự nó xảy ra? Chưa kể, thông tin đó các chuyên gia còn bán lại cho những người khác.

Còn trong lĩnh vực quốc phòng, nếu không hiện đại hóa, không tự lực được trang thiết bị thì sẽ thế nào? Nếu mua hệ thống giám sát quốc phòng của nước ngoài về coi như là tự tử, trao vận mệnh của đất nước vào tay người khác.

Kết nối các điểm rời rạc

DTT là thành viên của OIC – một cộng đồng xây dựng chuẩn kết nối IoT cho các thiết bị trên thế giới và sắp tới sẽ công bố nền tảng phần mềm nguồn mở OIP (Open IoT Platform) dành cho IoT. Anh có thể chỉ ra sự khác biệt giữa OIP và OIC không?

OIC là tham vọng [của những hãng công nghệ lớn trên thế giới] muốn đưa ra một tiêu chuẩn kết nối giữa tất cả các loại IoT. Tiêu chuẩn kết nối phải giải quyết được mấy vấn đề: Tốc độ truyền dẫn, năng lượng tiêu thụ thấp nhất và thứ ba là an toàn bảo mật. Tiêu chuẩn rất quan trọng, lấy ví dụ như mình để rất nhiều cảm biến ngoài ruộng, đấu điện đến đấy là cả một vấn đề. Cho nên, phải dùng cái cảm biến nào tốn ít điện nhất để đặt pin vào đấy. Còn nữa là tất cả cái cảm biến đó nó phải được chuẩn hóa, nếu không thì các thiết bị khác nhau không nói chuyện được với nhau. Nếu không thì hôm nay đầu tư 1.000 cảm biến, hôm sau mua cảm biến khác thì lại phải thay thế toàn bộ cảm biến cũ vì không có tiêu chuẩn cùng nhau. Vì thế mà cần tiêu chuẩn chung. OIC sinh ra cái tiêu chuẩn đó. Ngoài OIC thì cũng có một vài liên minh đang làm tiêu chuẩn, nhưng chắc chắn các liên minh sẽ liên kết lại với nhau.

OIC (Open Internet Consortium) là một trong những liên minh Internet of Things lớn nhất trên thế giới do Intel sáng lập với khoảng hơn 80 thành viên bao gồm các tập đoàn lớn trên thế giới như MediaTek, SamSung, Dell, Lenovo, Hewlett-Packard… nhằm đưa ra một chuẩn kết nối cho các thiết bị IoT trên toàn thế giới.

Vậy khi có tiêu chuẩn đó rồi thì người làm phần cứng, người làm phần mềm. OIP là phần mềm dựa trên phần cứng của Intel, chạy cùng với OIC. Tưởng tượng nó giống một hệ điều hành như Windows và dựa trên đó mới viết các ứng dụng. Đó là cái nền tảng chung. Chỗ nào cũng cần cái đó cả, để nối tất cả các thứ lại với nhau và điều khiển chúng. Thay vì viết từng phần mềm cho các loại phần cứng khác nhau thì bây giờ chỉ phải viết cho nó chạy trên cái nền tảng kia thôi.

Đầu năm 2016 chúng tôi sẽ công bố mã nguồn của OIP. Tất cả mọi người đều có thể tham gia. Nó là nguồn mở.

Tham gia vào cuộc chơi IoT không chỉ cần các doanh nghiệp mà còn cần cả các nhà khoa học chuyên ngành nữa. Vậy các nhà khoa học nên bắt đầu tham gia nền tảng này từ bao giờ?

Đó là câu chuyện mà mọi người nên tham gia làm ngay từ đầu. Nhưng đây là câu chuyện xuất phát từ bản thân mọi người. Còn mọi người tạo ra một cái nền tảng khác thì tôi cũng đồng tình. Và nếu họ làm tốt thì tôi có thể tham gia vào đấy. Cùng làm cùng hưởng mà. Tôi chỉ muốn mọi người hãy xem xét OIP một cách đàng hoàng, nghiêm túc. Mà chúng tôi cố gắng làm bài bản, từ gốc, bắt đầu từ tiêu chuẩn (OIC) chứ không phải là tự nghĩ ra “Thế này là nền tảng”. DTT chúng tôi cố làm ra một thứ có thể là chưa tốt nhưng đúng hướng cái đã. Sau đó nếu mọi người sẽ cùng xây dựng, nó sẽ tốt dần lên.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Hảo Linh thực hiện

---------------

*Gartner Hype of Cycle là biểu đồ trình diễn mang tính thương hiệu của tập đoàn nghiên cứu và tư vấn công nghệ Gartner miêu tả độ trưởng thành, thích ứng và ứng dụng xã hội của những công nghệ cụ thể.

 

Nguồn
https://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/can-dau-tu-iot-cho-quoc-phong-va-nong-nghiep-9260